Các tiêu chí về “người đàn ông Việt Nam đích thực” được đề ra quá cao khiến nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được chúng. Họ phải đối mặt với áp lực xã hội rất lớn.

Gắn với quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình, nam giới có xu hướng cho rằng một trong những bổn phận hàng đầu của họ là nuôi sống gia đình. Tài chính và sự nghiệp được phát hiện là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới cả nông thôn và đô thị. Gần một phần tư nam giới tham gia khảo sát đã thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp. Điều đáng lo ngại, những áp lực này có thể gây tác động bất lợi đến sức khỏe tâm thần của nam giới.

Đây là những khái niệm, yêu cầu, khuôn mẫu mà có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng được nghe, được dạy, thậm chí đã ăn sâu vào ý thức của rất nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, một số tiêu chuẩn, khuôn mẫu không còn phù hợp, đôi khi còn là những áp lực không đang có với nhiều người.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thì ở Việt Nam từ xưa đến nay duy trì một hình mẫu chuẩn của người đàn ông đích thực: Về sự nghiệp thì phải có vị trí cao, có bằng cấp cao, có tay nghề cao. Với gia đình, phải lấy vợ và sinh con trai, là trụ cột gia đình, phải đủ tiền để lo cho vợ con. Về sinh lực, phải có khả năng tình dục cao, biết uống rượu bia, luôn hào phóng và chở che cho phụ nữ.
Nhưng chính những tiêu chí quá cao về chuẩn nam tính truyền thống đã tạo áp lực không hề nhỏ cho nam giới, buộc họ phải tuân thủ và nỗ lực không ngừng để hướng tới. Khi mà người đàn ông không phải là người có thu nhập chính, trong khi anh ta lại đang được trông đợi phải là trụ cột thì gánh nặng ấy không dễ mang.

Bạn có đang phải chịu những áp lực đó không?

Nếu coi khuôn mẫu là một chiếc hộp thì chúng ta hãy mạnh dạn bước ra khỏi chiếc hộp của bản thân và hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.